Mặc dù thể trạng mỗi người là khác nhau, nhưng bạn vẫn có thể áp dụng một số biện pháp chung để hỗ trợ quá trình hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật ghép tủy xương diễn ra tốt nhất có thể.
Nếu bạn hoặc người thân cần ghép tế bào gốc tạo máu (hay còn gọi là ghép tủy xương), bạn nên chuẩn bị trước cho quá trình phục hồi. Hãy để Hello Bacsi giới thiệu cho bạn một số phương pháp hữu dụng nhé.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh là chìa khóa vàng dẫn đến thành công trong việc phục hồi cũng như duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sau khi phẫu thuật ghép tủy xương, bạn có thể gặp phải những triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, miệng đau buốt hoặc chán ăn, không có cảm giác đói. Bác sĩ có thể kê cho bạn một số thuốc chống buồn nôn để loại bỏ tác dụng phụ này.
Bạn nên bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất sau, vì khi đó cơ thể rất cần đến chúng:
Canxi
Canxi giữ vai trò thiết yếu trong việc tăng cường sức khỏe của xương. Một số loại thuốc bạn dùng sau khi ghép tủy xương có khả năng giảm hàm lượng canxi trong cơ thể. Sử dụng những thực phẩm như sữa, phô mai, cải xoăn hoặc rau bó xôi có thể giúp xương chắc khỏe.
Phốt pho
Tương tự như canxi, khoáng chất này giúp xương chắc khỏe. Thịt gà, thịt bò, cá và các loại hạt chứa nhiều phốt pho.
Vitamin D
Sử dụng liệu pháp steroid thời gian dài có thể dẫn đến chứng loãng xương. Vì vậy, việc bổ sung một liều vitamin D hàng ngày rất quan trọng để giải quyết vấn đề này. Dù không có nhiều thực phẩm giàu vitamin D, nhưng những món như sữa, sữa đậu nành, nước cam và ngũ cốc có thể cung cấp đủ loại vitamin này.
Kali
Các tác dụng phụ như nôn mửa và tiêu chảy có thể gây mất cân bằng khoáng chất hoặc chất điện giải. Kali giúp các tế bào hoạt động đúng hướng, hỗ trợ duy trì lượng chất lỏng cần thiết trong cơ thể, đồng thời giúp ổn định huyết áp. Nhiều loại trái cây và rau củ, ví dụ như chuối, cam, đào, bơ, cà chua và khoai lang là những nguồn thực phẩm cung cấp kali rất tốt.
Magiê
Khoáng chất này giúp phát huy tối đa hoạt động của hệ miễn dịch. Điều này rất quan trọng vì sau khi ghép tủy xương, sức đề kháng của bạn giảm sút đáng kể. Bên cạnh đó, tương tự như kali, magiê cũng giúp kiểm soát huyết áp. Các loại thực phẩm như sô cô la, sữa, các loại hạt, đậu phụ và rau bó xôi chứa một lượng khoáng chất magiê đáng kể.
Cân nhắc thực phẩm chức năng
Nếu bạn cảm thấy không muốn ăn uống, bác sĩ sẽ đưa ra đề nghị sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Bạn có thể uống vitamin tổng hợp hàng ngày, nhưng hãy chắc chắn rằng nó không có chất sắt. Vì sau khi ghép tủy xương, tế bào hồng cầu đã được sản sinh rất nhiều. Thức uống bổ sung dinh dưỡng cũng có thể được khuyến nghị.
Những thực phẩm cần hạn chế hoặc không sử dụng
Danh sách thực phẩm dưới đây có thể gây tác hại xấu cho những người có hệ miễn dịch kém:
- Sữa tươi chưa tiệt trùng
- Phô mai làm từ sữa tươi chưa tiệt trùng
- Trứng sống hoặc nấu chưa chín (trứng lòng đào)
- Cá sống hoặc gỏi cá
- Thịt sống, chẳng hạn như nem chua
- Thịt nguội, trừ khi nó được hâm nóng
Tập thể dục
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp bạn kiểm soát cân nặng, duy trì sức khỏe cho tim và tăng sức mạnh cũng như khả năng chịu đựng. Hãy trò chuyện với bác sĩ về cường độ tập luyện phù hợp với bạn. Họ có thể đề nghị bạn bắt đầu chậm rãi bằng những bài tập nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ thường xuyên.
Không sử dụng thức uống chứa cồn
Sau khi ghép tủy xương, chức năng gan có thể suy giảm do ảnh hưởng từ liệu pháp hóa trị, thuốc hoặc bệnh ghép chống chủ.
Bệnh ghép chống chủ xảy ra khi bạn nhận tủy xương (tế bào gốc) từ người hiến tặng và chúng xem cơ thể bạn là vật thể lạ xâm nhập (mầm bệnh) nên tấn công.
Một trong những nhiệm vụ của gan là xử lý và phân giải chất cồn, do đó bác sĩ sẽ khuyên bạn tránh xa bia rượu trong khoảng thời gian này để tránh tạo thêm công việc cho gan.
Sử dụng thuốc
Nếu bạn được ghép tủy xương từ người hiến tặng, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để giảm thiểu khả năng cơ thể xảy ra tình trạng thải ghép. Thuốc này hoạt động dựa trên nguyên lý làm cho hệ miễn dịch yếu đi để không tương tác và đào thải những tế bào mới. Tuy nhiên, cũng vì thế mà nguy cơ nhiễm trùng cũng tăng lên. Do đó, bạn cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa trường hợp này xảy ra.
Tự bảo vệ trước ánh nắng mặt trời
Việc ra ngoài nắng có thể khiến bạn dễ mắc bệnh ghép chống chủ hơn. Bên cạnh đó, da bạn cũng sẽ nhạy cảm trước ánh nắng mặt trời hơn so với trước khi tiến hành phẫu thuật ghép tủy xương. Do đó, bạn cần sử dụng kem chống nắng với chỉ số ít nhất là SPF 50 cũng như mặc quần áo dài tay và đội nón khi đi ra ngoài.
Chăm sóc răng miệng
Miệng của bạn có thể bị đau buốt hoặc khô sau khi ghép tủy xương, vì vậy điều quan trọng là phải chăm sóc nó thật tốt. Hãy sử dụng bàn chải lông mềm và nhúng qua nước nóng để tiệt trùng trước khi dùng. Ngoài ra, bạn cũng nên trò chuyện với bác sĩ trước khi lên kế hoạch cho bất kỳ liệu pháp nha khoa nào.
Yêu cầu tham gia các thử nghiệm lâm sàng
Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu tế bào T (một loại tế bào miễn dịch) và protein interleukin-22 (IL-22) có thể giúp tăng tốc độ phục hồi sau khi ghép tủy xương hay không. Các tế bào T được tạo ra trong tuyến ức của bạn, bộ phận có thể bị tổn thương trong quá trình hóa trị và ghép tạng. Chức năng của tuyến ức cũng sẽ giảm theo thời gian khi bạn già đi.
Vì điều này, tế bào T thường là các tế bào cuối cùng phát triển trở lại sau khi ghép tủy xương. Tuy nhiên, protein IL-22 thì khác. Chúng đã được chứng minh có khả năng hỗ trợ tế bào T phát triển nhanh hơn. Hãy trò chuyện với bác sĩ để xem liệu bạn có thể tham gia một chương trình nghiên cứu về điều này không.
Cải thiện cảm xúc theo hướng tích cực
Ở một số người, ghép tủy xương có tác dụng phụ nghiêm trọng về thể chất, chẳng hạn như các vấn đề về thận, phổi, tim, dạ dày và gan. Bác sĩ có khả năng hỗ trợ điều trị những vấn đề sức khỏe như thế này, nhưng lại khó có thể giúp bạn vượt qua những tác dụng phụ liên quan đến tinh thần, chẳng hạn như cảm xúc tiêu cực.
Việc đến bệnh viện nhiều lần, sử dụng thuốc quá nhiều, luôn cảm thấy suy sụp hoặc cô đơn có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần cũng như sức khỏe của bạn. Bạn có thể cảm thấy cảm xúc của bản thân dao động lên xuống rất nhiều: từ buồn bã đến lo lắng, tức giận và hạnh phúc. Sự hỗ trợ, an ủi cũng như động viên từ gia đình, bạn bè và thậm chí là đội ngũ y tế chăm sóc sức khỏe đóng vai trò rất lớn để giúp bạn mau chóng phục hồi.
Các bài viết của Trang Tin Sức Khỏe chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
Discussion about this post